Nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất
Nhận thấy chăn nuôi gà theo cách truyền thống quá vất vả mà thua lỗ nhiều, chị Đặng Thị Yến – xã Minh Châu đã mạnh dạn áp dụng công nghệ trong chăn nuôi. Phủ sóng wifi, khép kín chuồng trại, lắp đặt hệ thống làm lạnh, quạt thông gió, máng uống, máng ăn đều tự động. Nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm chuồng nuôi được điều khiển tự động và điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của đàn gà. Nhờ đó, mà việc chăn nuôi ngày càng phát triển, tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ban đầu chị đầu tư 1 chuồng với 7000 con/ lứa. Sau 5 năm, gia đình chị yến đã mở thêm 3 chuồng nuôi nữa với quy mô 32000 con/lứa.
Chị Đặng Thị Yến – xã Minh Châu đã mạnh dạn áp dụng công nghệ trong chăn nuôi
Chị Đặng Thị Yến – xã Minh Châu, Diễn Châu trao đổi: “Trước đây làm có 1 – 2 chuồng thì nay làm 4 chuồng rồi. Giảm được thức ăn chi phí. Gà mà làm máng trước đây nó hao dừ không hao ra ngoài tí mô, trước 1 chuồng phải thuê 1 công nhân, nay 4 chuồng có 1 công nhân”.
Từ lâu, nuôi tôm vụ đông được ví như "đánh bạc" với trời, dù giá trị cao nhưng thời tiết khắc nghiệt khiến tôm kém phát triển và nhiều dịch bệnh. Hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ cao, người nuôi tôm Diễn Châu đã có thể vượt qua khó khăn và dành thắng lợi trong tầm tay.
Quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn, công nghệ lọc tuần hoàn, nuôi trong nhà kín, bể tròn nổi...
Quy trình nuôi nhiều giai đoạn, công nghệ lọc tuần hoàn, nuôi trong nhà kín, bể tròn nổi... kết hợp với đầu tư nâng cấp hạ tầng có thể cho năng suất đạt từ 20 - 40 tấn/ha/vụ, cao hơn so với nuôi tôm thâm canh trong ao đất lót bạt gấp 2 - 3 lần.
Ông Nguyễn Văn Hòa, xã Diễn Kim, Diễn Châu nói: “Nuôi tôm công nghệ cao rất ưu điểm. Chúng tôi nuôi sục khí công nghệ cao và đẩy nhiệt độ môi trường, phủ kín ao nuôi để đảm bảo cho tôm phát triển trong vụ đông”.
Ứng dụng công nghệ cao được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong việc giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp. Đến nay toàn huyện đã xây dựng 150 mô hình ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện. Qua đó đã chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị , phát triển bền vững...
Ông Ngô Đình Tưu – Chủ tịch Hội Nông dân Diễn Châu cho biết: “Trong thời gian tới quyết liệt để phát triển để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích trong giai đoạn đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thì nhiệm vụ trọng tâm phối hợp với các nhà khoa học để đưa công nghệ vào và đồng hành, tạo điều kiện với các ngân hàng để cho vay các nguồn vốn để thực hiện các mô hình dự án áp dụng công nghệ cao”.
Thời gian tới, Diễn Châu tiến tới quy hoạch khu nông nghiệp, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của huyện. Đồng thời, tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.